Được thành lập từ những năm 90, Tổng công ty máy động lực và nông nghiệp Việt Nam (VEAM) là một trong những doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam trong lĩnh vực cơ khí, chế tạo máy và sản xuất, lắp ráp xe tải với thương hiệu VEAM Motor. Vốn điều lệ của VEAM hiện đạt 13.288 tỷ đồng.
Mặc dù vậy, cũng giống như nhiều doanh nghiệp Nhà nước khác, hoạt động sản xuất chính của VEAM không mang lại lợi nhuận. Báo cáo tài chính năm 2017 của công ty cho thấy, công ty mẹ VEAM lỗ 123,8 tỷ đồng trong năm 2017. Năm 2016, công ty cũng lỗ 71,4 tỷ đồng.
VEAM kinh doanh thua lỗ do nhà máy ô tô của công ty không thể hoạt động hết công suất do thị trường tiêu thụ xe tải, xe du lịch năm ngoái đi vào khó khăn. Trong 5 tháng đầu năm nay, tình hình chưa khả quan hơn khi sản lượng xe tiêu thụ xe tải nhỏ của VEAM giảm mạnh 63% so với cùng kỳ, chỉ đạt 517 chiếc từ 1.410 chiếc trong cùng kỳ năm ngoái.
Tài sản lớn nhất đến từ các liên doanh
Dù lỗ hơn 100 tỷ đồng, với VEAM, đây chỉ là khoản… lỗ nhẹ. Nguyên nhân bởi từ lâu, lợi nhuận của VEAM đã không đến từ mảng kinh doanh lõi. Thay vào đó, tài sản giá trị nhất của VEAM lại là phần vốn góp liên doanh tại 3 hãng xe hàng đầu tại Việt Nam là Toyota Vietnam (nắm 20% cổ phần) và Honda Vietnam (nắm 30% cổ phần), và gián tiếp nắm 25% cổ phần tại Ford Vietnam thông qua công ty con là Công ty TNHH NN MTV Diesel Sông Công (Disoco). Trong năm 2017, 3 công ty trên nắm 40% thị phần ô tô và trên 70% thị phần xe máy tại Việt Nam.
Đều đặn mỗi năm, các công ty liên doanh liên kết mang về cho VEAM khoảng hơn 5.000 tỷ đồng lợi nhuận. Cụ thể trong năm 2017, lợi nhuận từ các công ty liên doanh liên kết là 5.170 tỷ đồng.
Trong đó, Honda Vietnam là đơn vị đóng góp nhiều nhất cho VEAM. Với 30% cổ phần tại Honda Vietnam, VEAM thu lợi lớn khi trong năm 2017, Honda đã bán được 2,33 triệu xe máy và hơn 12.000 ô tô các loại, đạt lợi nhuận 14,95 nghìn tỷ đồng. Như vậy, riêng Honda đã mang về khoảng 4,4 nghìn tỷ đồng lợi nhuận cho VEAM.
Dù thị trường xe máy bị đánh giá là đã bão hòa, Honda tại Việt Nam vẫn tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận đều đặn qua các năm nhờ chuyển dịch dần cơ cấu xe của người tiêu dùng trong nước, từ xe số sang xe ga. Dòng xe tay ga hiện chiếm khoảng 58% sản lượng tiêu thụ của Honda Vietnam và 42% là dòng xe số. Tỷ lệ này trong năm 2016 là 55:45. Việc chuyển dịch này mang lại tỷ suất sinh lời tốt hơn do xe tay ga bán lãi hơn xe số.
Một đơn vị khác cũng là ‘con gà đẻ trứng vàng’ trong liên doanh của VEAM là Toyota Việt Nam. Từng là doanh nghiệp số 1 thị trường ô tô, những năm qua, Toyota bị cạnh tranh mạnh từ các dòng xe Hàn Quốc do Trường Hải lắp ráp.
Năm 2017, lợi nhuận của Toyota Việt Nam giảm 44,8%. Dù bán được 60.303 xe, tăng nhẹ 2,7% so với năm trước, doanh thu của Toyota Việt Nam vẫn giảm mạnh 17,3%, chỉ đạt 29,3 nghìn tỷ đồng do công ty phải giảm giá để cạnh tranh, đẩy giá bán bình quân xe giảm mạnh. Đồng thời, xe lắp ráp trong nước của Toyota cũng phải chịu cạnh tranh rất lớn từ các đối thủ nội địa hóa khác.
Sự sụt giảm của Toyota Việt Nam khiến lợi nhuận VEAM thu về từ liên doanh này cũng giảm tương ứng. Năm 2017, VEAM thu về khoảng 600 tỷ đồng từ liên doanh với Toyota Việt Nam
Là thương hiệu nổi tiếng, song Ford Việt Nam chỉ đóng góp một phần nhỏ cho lợi nhuận của VEAM – Trong năm 2017, Ford Việt Nam bán được 28.588 xe với lợi nhuận ước tính đạt 650 tỷ đồng. Và theo đó, lợi nhuận thuộc về VEA sẽ đạt khoảng 163 tỷ đồng.
Bên cạnh 3 công ty liên doanh lớn này, VEAM còn có 10 công ty liên doanh, công ty con chuyên về phụ tùng, trong đó có 4 công ty chuyên về sản xuất sản phẩm cơ khí cho các đối tác trong lĩnh vực sản xuất xe máy như Honda, Yamaha và Piaggio.
Có thể thấy, các liên doanh kể trên là đủ để VEAM thu về hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm mà không cần phải làm gì. Thậm chí, hoạt động tự sản xuất kinh doanh của VEAM còn đang lỗ. Thống kê từ năm 2013 đến nay, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của VEAM đều thấp hơn lợi nhuận thu về từ công ty liên doanh liên kết.
'Hàng ngon' trong số doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa
Bất chấp hoạt động kinh doanh chính không tốt, VEAM vẫn được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Công ty này dự kiến sẽ niêm yết vào ngày 2/7 trên sàn UPCOM với giá tham chiếu là 27.600 đồng/cp. IPO VEAM là đợt chào bán ra công chúng lớn nhất năm 2016 khi công ty đã bán thành công 149,5 triệu cổ phần (tương ứng 89,5% số cổ phần chào bán), thu về 2.137 tỷ đồng. Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký mua 30 triệu cổ phần.
Trong năm nay, Nhà nước sẽ có chiến lược để giảm bớt tỷ trọng nắm giữa tại VEAM. Hiện tại, Bộ Công thương vẫn nắm 88,47% cổ phần tại VEAM và dự kiến sẽ bán 52,75% cổ phần (tương đương 700,9 triệu cổ phiếu) để giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 36%. Quá trình thoái vốn sẽ được thúc đẩy sau khi công ty niêm yết vào tuần sau.
Một đối tác tiềm năng có thể mua VEAM đó là Công ty TNHH Motor N.A Việt Nam(Vinamco). Vinamco không phải là một cái tên xa lạ khi là ‘cánh tay nối dài’ chuyên để thâu tóm các doanh nghiệp Nhà nước thoái vốn của bà Nguyễn Thị Nga – chủ tịch BRG Group, tập đoàn kinh doanh bất động sản, nghỉ dưỡng và sân golf lớn trong nước.
Trong đại hội cổ đông mới đây của Tổng công ty thương mại Hà Nội (Hapro), Vinamco cũng xuất hiện với vai trò cổ đông lớn nhất của doanh nghiệp này, với 65% cổ phần. Năm 2016, Vinamco cũng đã từng đề nghị mua tối thiểu 36% cổ phần VEAM với mức giá tối đa 10.050 đồng/ cổ phần, tương đương với khoảng 5.000 tỷ đồng. Mặc dù vậy, mức giá này thấp hơn khá nhiều so với mức giá chào bán công khai.