Đào Nhật Chung, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, hiện nay trên thị trường máy in 3D chủ yếu là nhập ngoại, giá thành tương đối cao từ vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng. Vì vậy, không phải ai cũng có thể tiếp cận với công nghệ này dù rất đang phổ biến và mang lại nhiều giá trị. “Chính vì vậy, nhóm chúng em khao khát chế tạo được chiếc máy in 3D với giá thành rẻ để nhiều người có thể tiếp cận được”- Chung chia sẻ.
Ngoài sự hướng dẫn của các thầy giáo trong khoa, nhóm còn lên mạng tìm đọc tài liệu để tìm hiểu về công nghệ in 3D của thế giới. Từ chiếc máy mẫu của nhà trường mua để sinh viên học tập, thực hành, nhóm đã nghiên cứu từng chi tiết, bộ phận, nguyên lý hoạt động,… rồi lên thiết kế và tìm kiếm vật liệu để lắp ráp máy. Sau thời gian nghiên cứu, chỉnh sửa, hỏng làm lại, nhóm cũng thành công với chiếc máy in 3D bằng công nghệ FDM và với nguyên liệu sợi nhựa PLA, một loại nhựa sinh học thân thiện với môi trường. Máy có thể in ra nhiều hình mẫu đẹp, từ đơn giản đến phức tạp. Máy có ưu điểm về độ chính xác trong việc tạo ra mẫu vật thực tế so với với bản vẽ và độ tinh tế của bề mặt mẫu vật.
Nhận thấy thị trường công nghệ và máy in 3D đầy tiềm năng, Công ty TNHH in 3D Vĩnh Thịnh ra đời, mà các thành viên chính là các giáo viên, cựu sinh viên, sinh viên của trường ĐH Bách khoa TPHCM. Công ty khởi nghiệp từ chính những sản phẩm họ tự nghiên cứu và sản xuất.Đến nay, Công ty đã chế tạo được nhiều dòng máy in 3D có thể dùng cho không gian làm việc lớn, ứng dụng chế tạo khuôn, mẫu lớn hoặc các chi tiết cho chiều cao và dạng hình trụ, máy in màu, máy dùng trong học tập. Các dòng máy này đều làm việc tự động, có độ chính xác cao, giao tiếp thông qua cổng USB hoặc thẻ SD,…
“Đặc biệt, sắp tới, nhóm chúng em cho ra dòng máy in 3D mini có giá thành dưới 5 triệu đồng, phục vụ trong các trường học hoặc gia đình muốn con em mình tìm hiểu về công nghệ in 3D” – Chung nói và cho biết, mong muốn của nhóm là nghiên cứu, chế tạo ra chiếc máy in có thể in được nhiều chất loại khác nhau như nhựa, kim loại. Tuy nhiên, vì loại máy này có giá thành khá cao (khoảng 10 tỷ đồng đối với máy nhập từ châu Âu) nên chưa có máy mẫu để thực hiện cho việc nghiên cứu.